Hiện trạng toàn ngành cơ khí Việt Nam
Từ năm 1990 trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành cơ khí không được quan tâm đầu tư đúng mức cho nên năng lực của ngành không tăng lên đáng kể, tốc độ tăng trưởng của ngành có sự chững lại trong khi các ngành khác có tăng trưởng cao, tỷ trọng của ngành trong cơ cấu ngành công nghiệp không được cải thiện.
Theo số liệu điều tra năm 1998, toàn ngành có:
+ 463 doanh nghiệp Nhà nước (trước khi sắp xếp theo Nghị định 388/HĐBT có 610 doanh nghiệp), trong đó có 207 doanh nghiệp QDTW (tập trung tại Bộ Công nghiệp 56 doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải 46 doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng 44 doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 29 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng 13 doanh nghiệp ...) và 256 doanh nghiệp QD Địa phương (tập trung tại Hà nội, thành phố Hồ chí minh, Hải phòng, Thanh hoá, Nam hà). Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo là 50,2%, còn lại là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa ôtô, máy kéo, tàu thuyền, máy móc xây dựng công trình ...
+ 927 cơ sở sản xuất tập thể, 43 xí nghiệp tư doanh và 28,464 ngàn hộ sản xuất cá thể.
+ 154 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đầu tư 2,090 tỷ USD, trong đó trên 50% dự án thuộc ngành sản xuất ôtô- xe máy và hàng tiêu dùng, các dự án thuộc ngành sản xuất tư liệu sản xuất nông nghiệp và máy móc cơ khí rất ít.
+ 197 ngàn lao động với 16 ngàn kỹ sư và 1,2 ngàn Phó tiến sỹ, Tiến sỹ.
+ Tổng tài sản cố định của 463 doanh nghiệp Nhà nước là 300 triệu USD (sau khi có tính một phần khấu hao), không bằng 2 nhà máy xi măng có công suất trung bình. Vốn bình quân cho một doanh nghiệp cơ khí khoảng 0,6 triệu USD, trong đó có 40 doanh nghiệp cơ khí có tài sản trên 4 triệu USD.
+ Giá trị sản xuất cơ khí năm 1996 của 463 doanh nghiệp Nhà nước là 250 triệu USD. Xuất khẩu trung bình đạt 8 triệu USD/năm, bằng 0,1% tổng giá trị xuất khẩu, quá nhỏ so với các nước công nghiệp (35-40%).
+ Năng lực gia công của ngành:
- Đúc gang đến 10 tấn.
- Thép đúc đến 5 tấn.
- Rèn thép đến đường kính 300mm (búa 10 tấn).
- Doa chi tiết 45 tấn, đường kính 6m, sâu 2m.
- Tiện tròn đường kính 1,5m x 11,5m, nặng 40 tấn.
- Tiện đứng đường kính 6,3m x 2,5m, năng 40 tấn.
- Bánh răng có m = 30, đường kính 5 m.
- Cuốn ống thép dày 40mm, đường kính 1,7m.
- Cắt tôn có chiều dầy đến 50 mm.
Những tồn tại chính của ngành cơ khí Việt Nam là:
- Đầu tư và tài sản quá nhỏ, vừa trùng lặp vừa phân tán, không phù hợp với tổ chức sản xuất cơ khí.
- Từ năm 1990 trở lại, không được đầu tư đáng kể, toàn ngành giai đoạn 1990-1995 cũng chỉ đầu tư 180 tỷ đồng (Hà nội đầu tư 2,3 triệu USD cho cơ khí địa phương giai đoạn 1991-1995, thành phố Hồ Chí Minh đầu tư 0,687 triệu USD cho cơ khí địa phương giai đoạn 1975-1993).
- Tổ chức ngành quá phân tán, rải mỏng, địa phương nào cũng có nhà máy cơ khí: trong số 463 doanh nghiệp chỉ có 70 doanh nghiệp là đáng kể trong đó 40 doanh nghiệp có vốn trên 4 triệu USD. Khoảng 50% số xí nghiệp cơ khí là hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa ôtô, máy kéo, thiết bị công trình ...
- Công nghệ lạc hậu so với thế giới 30-40 năm, 95% thiết bị là thiết bị lẻ, không đồng bộ, không có chuyển giao công nghệ, hầu hết đã hết khấu hao, 20% thiết bị hư hỏng hoặc đã lỗi thời.
- Tổ chức sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hoá, hợp tác hoá.
- Công tác nghiên cứu phát triển không được chú trọng mặc dù có 12 Viện nghiên cứu về cơ khí. Số thợ giỏi và lành nghề đang có xu hướng giảm, số kỹ sư cơ khí và trên đại học chuyên ngành cơ khí cũng giảm dần.
- Giá trị xuất khẩu quá nhỏ bé so với các ngành công nghiệp khác, chỉ chiếm 0,1% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển ngành cơ khí:
- Bản thân các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chưa làm quen được với cơ chế thị trường, chịu ảnh hưởng của thời kỳ bao cấp.
- Thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức, đồng thời không tận dụng được cơ hội đầu tư, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cơ khí đối với thị trường cơ khí còn chậm (ví dụ: chương trình xi măng lò đứng là cơ hội tốt cho ngành cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ song trong tổng số 55 dự án xi măng lò đứng, cơ khí Việt Nam chỉ có duy nhất 1 dự án do Việt Nam thực hiện hoàn toàn, còn lại phải mua của Trung quốc ...).
- Chưa có kế hoạch phát triển và dự án khả thi tốt.
- Cơ chế chính sách chưa đủ để khuyến khích phát triển cơ khí.