Hotline: 0913 758 060     Email: info@minhnguyenquang.com.vn

Tin tức

Tìm kiếm
Danh mục sản phẩm
Videos

Cơ khí Việt Nam trong bước khởi đầu: cần sự tiếp tay của Nhà nước khi làm thiết bị toàn bộ

Đọc một số bài viết trong Tạp chí Cơ khí VN mấy số cuối năm 2007 thì thấy đã bắt đầu xuất hiện sự lo ngại cho rằng cơ khí VN đang có nguy cơ chững lại, cơ khí VN đang bị lấn sân, nhiều thứ chẳng cao siêu gì trong nước có thể làm được nhưng lại bị nước ngoài (ý muốn nói TQ) chiếm lĩnh thị trường, đúng là có tiền mà lại nhờ người ngoài tiêu hộ.

Cho rằng thị trường nội địa cũng là một dạng tài nguyên của đất nước thì việc không bảo vệ thị trường là lãng phí lớn, hàng năm cứ tiếp tục nhập khẩu trên 10 tỉ USD máy móc, thiết bị thì quả là bức xúc. Thiên hạ đua nhau nhập từ Trung Quốc dây chuyền xi măng 90 vạn tấn trở xuống, thiết bị trạm thuỷ điện cỡ nhỏ. Trong nước có kế hoạch đầu tư xây dựng 13 tổ máy nhiệt điện chạy than 300 MW thì Lilama gắng gượng chống chọi chỉ làm EPC được 1 tổ, số còn lại rơi vào tay nhà thầu nước ngoài (?). Các công trình vay vốn đầu tư nước ngoài, tuy có đấu thầu nhưng chẳng lọt khỏi tay các nhà thầu thuộc nước cho vay vốn, trong khi đó luật đấu thầu của ta còn cứng nhắc, những công trình dùng vốn Nhà nước cứ phải qua đấu thầu mà không chỉ định thầu cho các nhà thầu trong nước có năng lực, dù có chênh một hai giá nhưng tiền thì vẫn nằm trong nước. Trước tình hình đó đưa ra khuyến cáo: các DN trong nước cần liên kết chặt chẽ với nhau để tăng sức mạnh. Sản xuất các thiết bị lớn, đắt tiền hàng chục tỉ đồng là phải có đơn đặt hàng cụ thể vì phải thực hiện các công việc chuẩn bị tốn nhiều thời gian và công sức từ mua thiết kế và công nghệ, đào tạo, tổ chức sản xuất. Nếu cứ tiếp tục cái đà nhập khẩu TB như hiện nay thì mọi chương trình nghiên cứu nâng cao tỉ lệ NĐH đều là vô nghĩa và DN cơ khí trong nước cũng chẳng dám mạo hiểm đầu tư nhà máy để sản xuất các TB quan trọng, TB chủ yếu vì chẳng biết ai sẽ mua. Vì vậy cần có sự tiếp tay của Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, tạo cơ hội về đầu ra trong bước khởi đầu – nói nôm na là trước hết cần chỉ định thầu vài ba công trình - để DN có đối tượng tiêu thụ cụ thể, yên tâm nghiên cứu, tổ chức sản xuất và đầu tư.

Trước nguyện vọng của DN, thái độ của CP ra sao? Trong bài phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng với các DN trong HH các DN Cơ khí VN ngày 26 tháng 9 năm 2007 có đoạn “...Bây giờ làm sao đầu tư những nhà máy lớn kiểu như trước đây ta làm nhà máy Cơ khí Hà Nội. Sau này xây dựng một số công trình ta cũng có những nhà máy lớn như thế... Tôi nói 300 triệu hay 500 triệu USD không phải là cái khó, Nhà nước có thể cho các đồng chí vay với lãi xuất ưu đãi; nhưng làm sao xây dựng, vì xây rồi thì sản phẩm bán cho ai, hoạt động thế nào. Bây giờ các đồng chí bảo bắt mua thì khó lắm. Vì thực ra Nhà nước có mua mấy đâu mà toàn DN mua. Trong Hiệp hội các đồng chí bảo nhau mua xem có được không. Nếu HH có sức mạnh thì bảo mua được. Bây giờ làm sao chúng ta xây được cái đó mới là quan trọng ...”.

Xem ra sự việc có vẻ như quả bóng đá đi đá lại. Cơ khí là một ngành nghề sản xuất - kinh doanh như bao ngành công nghiệp khác, trong cơ chế thị trường thì đầu tư làm cái gì, bán cho ai, hiệu qủa ra sao là trách nhiệm của DN, điều này thì mọi người đều nhận thức được. Tuy nhiên, trong tiến trình vươn lên của cơ khí, có một số việc mà bản thân DN nguồn lực còn rất hạn hẹp không thể tự mình thực hiện nổi. Đó là bước khởi đầu gây dựng các ngành nghề mới, quan trọng, khó làm - nằm trong định hướng chiến lược của Nhà nước - ngoài bản lãnh, ý chí của DN muốn vươn lên làm việc lớn cho đất nước thì không thể thiếu được sự chỉ đạo tập trung và giúp đỡ, tiếp sức của CP, đó là chỉ định thầu một vài công trình đầu tiên và cho vay vốn đầu tư ưu đãi để làm các thiết bị quan trọng, thiết bị chủ yếu trong dây chuyền công nghệ. Việc nghiên cứu làm ra loại máy móc, thiết bị mới có thể sử dụng độc lập thì tìm đường tiêu thụ là việc của DN, không thể “cầu cứu” Nhà nước giúp bằng cách cấm, hạn chế nhập khẩu máy đã qua sử dụng để bớt cạnh tranh. Nhưng các máy móc, thiết bị chỉ hoạt động được trong dây chuyền công nghệ nhất định của công trình TBTB thì lại là chuyện khác. Chúng thường là cỡ lớn, khó làm, đắt tiền và đều là sản phẩm mới thì phải mất nhiều công sức và thời gian chuẩn bị, tổ chức sản xuất và đầu tư thì điều nhà sản xuất quan tâm trước tiên là phải có được một vài người đặt hàng thì mới dám triển khai công việc. Đối với các loại hình TBTB, thì phần thiết bị ngoại vi (ta quen gọi là thiết bị phi tiêu chuẩn PTC, dạng kết cấu -loại ítbí quyết công nghệ ) trong nước đã sản xuất quen rồi (chiếm khoảng 15 - 25 % tổng giá trị thiết bị của công trình) nhưng phần TB quan trọng, TB chủ yếu (phần ruột), chiếm phần lớn giá trị, thì chưa làm được. Trong bài viết này, khi nói đến sản xuất TB cho công trình TBTB là muốn nói tới phần TB quan trọng, TB chủ yếu mà thôi (gọi tắt là TBCY).

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí, các DN đã và chuẩn bị làm TB cho ngành xi măng, phát điện, dầu khí. Hai Dự án nghiên cứu KHCN đang thực hiện: 1 dự án làm TBCY cho dây chuyền xi măng 90 vạn T (4 đơn vị tham gia),thực hiện 2005 - 2008 và 1 dự án làm làm cụm tuốc bin - máy phát cho trạm thuỷ điện 18 MW gồm 3 tổ 6 MW, (4 đơn vị) thực hiện 2007- 2009. Đang chờ phê duyệt dự án KHCN “Lộ trình NĐH thiết bị nhiệt điện chạy than 300 MW” (trên 30 đơn vị) và Dự án LD trong nước đầu tư làm dàn khoan trên biển 60 M nước, có 2 đơn vị làm phần kết cấu dàn khoan - một loại kết cấu đặc biệt, kĩ thuật cao (megastructure).

Trong 4 dự án nêu trên thì có 3 dự án thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu KHCN, trong bối cảnh hiện nay DN phải tự xoay sở, thì cũng chẳng có cách làm nào khác. Cách làm như vậy mất nhiều thời gian, riêng việc thuyết phục cấp trên phê duyệt đến khi thực hiện xong cũng mất 4 - 5 năm. Trong kế hoạch 5 năm này, theo tôi đoán thì có lẽ chỉ có 1 dự án xi măng 90 vạn T (Đô lương) và 1 dự án thủy điện cỡ nhỏ (Đakrông) là được thụ hưởng thành quả nghiên cứu KHCN chế tạo các TBCY. Còn dự án nhiệt điện 300 MW, nếu sớm được thông qua thì công trình đầu tiên (trong số 3 công trình để thực hiên lộ trình NĐH đạt 40%) có lẽ phải qua năm 2011 thì mới xong. Trước nhu cầu to lớn đã nhìn thấy rõ (7 - 8 dây chuyền xi măng 90 vạn T, 30 - 40 trạm thuỷ điện cỡ nhỏ từ vài nghìn đến 50 / 100 MW, 12 tổ nhiệt điện 300 MW), tuy chưa thể hy vọng làm được nhiều nhưng trong 5 - 6 năm, mỗi thứ chỉ NĐH được 1 công trình thì quả là ít ỏi, chỉ mang ý nghĩa tập dượt, không tận dụng được cơ hội thuận lợi về thị trường, để rơi gần hết vào tay nhà thầu nước ngoài, thật là đáng tiếc vậy thay!

1 - Tuy Chiến lược đã ban hành hơn 5 năm, nhưng thực chất là chặng đường 10 năm đầu đã bước vào năm thứ 8, sự nghiệp làm TBTB mới ở bước khởi đầu, vì vậy kế hoạch làm tiếp nên tính từ 2008 đến 2015 sẽ thực tế hơn.

Theo tôi nghĩ thì trong vòng 5 - 7 năm tới, cơ khí tập trung vào làm TB cho ngành xi măng, phát điện, dầu khí - đều là những ngành CN lớn - thì cũng đã là nhiều và nặng rồi. Các lĩnh vực khác mà Chiến lược đã định hướng, thì tuỳ DN làm được đến đâu thì làm, không nhất thiết là cứ phải đi vào làm TBCY.

Thiết bị xi măng: ngoài cỡ 90 vạn T đang thực hiện thì nên bổ xung thêm cỡ 35 vạn T (chuyển từ lò đứng sang lò quay), số lượng cỡ này là lớn 15-20 bộ (tổng trị giá dây chuyền TB cũng xấp xỉ 5-7 dây chuyền cỡ 90 vạn T), làm dễ hơn nhiều mà để nhập khẩu thì thấy không ổn.

Trạm thuỷ điện cỡ nhỏ: bước đầu (2008 - 2012) nên tập trung vào trạm khoảng 20-  24 MW trở xuống (tương ứng với tổ máy 8 - 12 MW). Những năm tiếp sau sẽ làm cho trạm công xuất lớn hơn, chẳng hạn đến 50 - 100 MW (tương ứng với tổ máy 30 - 50 MW). Ý đồ hướng cơ khí VN đi vào làm TB cho trạm thuỷ điện cỡ nhỏ chẳng phải là chuyện mới mẻ gì mà là đã có từ thời xa xưa, xuất phát từ nhận định tiềm năng thuỷ điện ở nước ta là dồi dào, đa dạng. Chỉ có điều là chẳng chịu tổ chức việc thực hiện, để kéo dài mãi đến tận bây giờ mới... nghiên cứu làm!

Tổ nhiệt điện chạy than 300 MW: Tổng mức đầu tư công trình này là lớn khoảng 300 triệu USD, nâng tỉ lệ NĐH thêm 10% cũng rất có ý nghĩa về kinh tế. Đọc báo cáo “Dự án lộ trình NĐH thiết bị nhiệt điện chạy than 300 MW” tôi hơi bị ngợp về danh mục TB đưa vào diện NĐH. Một dự án mà huy động tham gia trên 30 đơn vị sản xuất và nghiên cứu chủ lực của ngành cơ khí, cần hơn 30 đề tài nghiên cứu KHCN, số lượng thiết kế phải nhập cũng không ít thì không rõ liệu có khả thi, có kiểm soát được không. Phải chăng nên bắt đầu bằng việc làm tập trung, làm đồng bộ một vài khâu, thí dụ như khâu lọc bụi, khâu cung cấp than... chẳng hạn ngoài ý nghĩa về kinh tế thì còn có cả sản phẩm chuyên môn hóa có thể cung cấp cho chủ đầu tư nước ngoài. Công trình có quy mô đầu tư đến 300 triệu USD, tính hàng loạt lại rất cao (ít nhất 12) như tổ nhiệt điện 300MW mà CP không ràng buộc chủ đầu tư nước ngoài sử dụng hàng chuyên môn hóa do trong nước sản xuất thì thật đáng tiếc.

Ngành dầu khí: Ngoài việc làm dàn khoan thì chắc cơ khí cũng sẽ tham gia làm TB cho Lọc dầu Nghi Sơn. Tôi chỉ mong cơ khí làm và cung cấp được các bồn lớn chịu áp lực cao có số lượng lớn, không để tái diễn nhập từ Malaysia như nhà thầu nước ngoài đã làm đối với Lọc dầu Dung Quất. Ngoài bồn chứa còn nên làm một số loại van.

2 - Nếu có nhà sản xuất trách các nhà đầu tư trong nước chuộng hàng ngoại, vác tiền nhập khẩu các dây truyền TB kĩ thuật chẳng cao siêu gì thì lời trách đó có phần thiếu thông cảm. Muốn nhà đầu tư dùng hàng trong nước sản xuất thì đâu đã có thực tiễn khiến nhà đầu tư an tâm, giữa việc có thể làm và đã từng làm là 2 cấp độ tin tưởng rất khác nhau. Chính vì vậy mà mới có chuyện cơ khí phải tập dượt làm một hai bộ TB đầu tiên để thuyết phục nhà đầu tư.

Tôi không rõ trên thế giới hiện có bao nhiêu nước có sở trường làm thiết bị cho trạm thuỷ điện cỡ nhỏ và xi măng dưới 1 triệu T. Chỉ biết T.Q mạnh về hai lĩnh vực này, họ đã làm lâu năm và chuyên môn hoá cao, giá cả lại cạnh tranh. Tổ tuốc bin thuỷ thì họ làm từ cở rất nhỏ đến cỡ rất lớn, dây chuyền xi măng lò quay thì họ làm cả cỡ nhỏ nhất 100 nghìn T (1 dây chuyền cỡ này đã được nhập, lắp đặt tại Hà Nam). Cũng nên thấy một điều là KH đầu tư khai thác thuỷ điện nhỏ, KH chuyển đổi xi măng lò đứng sang lò quay, bổ xung thêm cõ 90 vạn T, bản thân nó cũng đã mở đường cho TB Trung Quốc vào VN, nhà đầu tư trong nước cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhập TB từ nước cận kề. Cũng chẳng thể đòi hỏi kĩ thuật tiên tiến, công nghệ nguồn đối với TB cỡ nhỏ loại này. Vì vậy, theo suy nghĩ của tôi thì trong 2 lĩnh vực này, hợp lí hơn cả là ta nên hợp tác với các công ty có tiếng tăm của TQ để nhận chuyển giao công nghệ (mua thiết kế, thuê chuyên gia hướng dẫn sản xuất...). Đây chẳng phải kĩ thuật cao siêu gì khiến họ không chấp nhận với giá phải chăng. Làm như vậy ta có thể vào cuộc sớm, đỡ mất thời gian nghiên cứu KHCN và còn có tác dụng làm nhà đầu tư thêm an tâm. Tôi thấy Vinashin rất có ý thức nhận chuyển giao công nghệ có hệ thống, từ công nghệ đóng tầu đến công nghệ sản xuất các máy móc, thiết bị, phụ kiện, vật tư cho tầu biển - mỗi thứ đều gắn với tên công ty nước ngoài có tiếng trong từng lĩnh vực. Việc làm này tất nhiên là tốn thêm tiền nhưng là cách tiếp cận công nghệ tiên tiến được nhanh và vững chắc. Đó là một lí do rất quan trọng thu hút khách hàng nước ngoài và khách hàng trong nước tin tưởng đặt hàng với khối lượng lớn (TCT hàng hải VN, Tập đoàn dầu khí VN).

3 - Nếu đọc lại Định hướng chiến lược - phần TBTB - thì ai am hiểu thực lực của cơ khí cũng thấy có độ vênh lớn giữa nhiệm vụ và biện pháp - nhiệm vụ thì hoành tráng, biện pháp thì yếu và phiến diện. Làm TBTB - làm TBCY cho những ngành CN lớn với mục tiêu đáp ứng 40% nhu cầu mà chỉ dựa vào việc tận dụng TB sẵn có, tăng cường hợp tác sản xuất, đầu tư công nghệ cho đồng bộ thì làm sao mà thực hiện nổi nhiệm vụ. Đó mới chỉ là 1 vế, còn 1 vế khác rất cơ bản thì không thấy nói đến : đó là đầu tư thêm năng lực sản xuất mới mà nòng cốt là tổ chức, gây dựng các cơ sở chế tạo máy móc cỡ lớn, hạng nặng - đây là công cụ không thể thiếu để chế tạo các TBCY cho các ngành CN lớn mà cho đến nay cơ khí chưa có, nói cho đúng thì mới ở bước manh nha. Tôi biết rất rõ, từ thời xa xưa, khoảng 1976 - 1986, Đảng và Chính phủ từ các vị lãnh đạo cấp cao nhất đều nung nấu ý đồ làm Cơ khí nặng để cơ khí thực hiện được vai trò then chốt, đã thuyết phục được Liên Xô và Tiệp Khắc giúp xây dựng cơ sở chế tạo máy đến trên 100 tấn và tạo phôi đến vài ba chục tấn. Nhưng lực bất tòng tâm, thời thế đổi thay nên không thực hiện được. Bây giờ thì không kì vọng có các trung tâm, các tổ hợp cơ khí nặng khổng lồ như ở các nước phát triển có tác dụng dẫn dắt nền kinh tế, nhưng ít ra cũng cần có vài ba cơ sở chế tạo máy cỡ lớn để làm các TBCY cho các công trình TBTB mà cơ khi đang hướng tới.

HIENDAIHOA.COM (theo: vami)

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Đối tác

Đã thêm vào giỏ hàng !

Xem giỏ hàng
zalo
zalo